Trường Đại học Hà Tĩnh - HaTinh University

Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất triển khai chương trình đào tạo liên kết tại Trường Đại học Hà Tĩnh

Sáng ngày 26/4, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội để đánh giá việc triển khai các nội dung trong Bản thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2023 -2027 giữa ĐHQG Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác phối hợp đào tạo giữa Trường Đại học Hà Tĩnh với các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội. Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội, có sự tham gia của GS.TS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng đại diện lãnh đạo văn phòng và các ban chức năng, các trường thành viên. . Về phía Hà Tĩnh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và đại diện các sở, ngành. TS. Đoàn Hoài Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh và các thầy cô giáo trong Ban giám hiệu, đại diện các phòng ban chức năng tham gia buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, TS. Đoàn Hoài Sơn đã trình bày báo cáo các công tác liên quan đến việc sáp nhập Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành thành viên của ĐHQG Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại Đề án sáp nhập đang được trình các cấp có thẩm quyền và đã xin ý kiến các bộ: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để trình Chính phủ. Bên cạnh việc tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện đề án và tiến hành các bước trong quy trình sáp nhập, ĐHQGHN và Trường Đại học Hà Tĩnh cũng có nhiều hoạt động liên kết, phối hợp trong đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng. Đặc biệt, Trường Đại học Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với Ban Đào tạo và các trường thành viên của ĐHQGHN (Trường Đại học Luật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Việt Nhật) để thống nhất các điều kiện liên kết 8 chương trình đào tạo, gồm: Luật, Khoa học môi trường, Công nghệ thông tin, Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Ngôn ngữ Anh, Kỹ thuật xây dựng, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng. Đây là các ngành đang có nhu cầu từ thực tiễn tại địa phương, đồng thời Trường ĐHHT có thể tham gia chương trình đào tạo.

TS. Đoàn Hoài Sơn báo cáo các hoạt động phối hợp giữa ĐHQG Hà Nội với Trường Đại học Hà Tĩnh

Ngoài ra, Trường ĐHHT và Trung tâm Khảo thí của ĐHQGHN đã thống nhất ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên về việc phối hợp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh trung học phổ thông. Tháng 4/2024, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đã phối hợp với Trường ĐHHT tổ chức 2 đợt thi 402 và 403 với số lượng thí sinh đăng ký dự thi là 1.690 em.

TS. Lê Quân phát biểu tại buổi làm việc

GS. TS. Lê Quân đã đề xuất thảo luận sâu 2 vấn đề. Thứ nhất là việc phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh đào tạo đại học theo hình thức liên kết 2+2. Trong đó, 2 năm đầu đào tạo tại Trường Đại học Hà Tĩnh, 2 năm cuối sẽ đào tạo tại các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội. Bằng sẽ do ĐHQG cấp. Số chỉ tiêu dự kiến năm 2024 là khoảng 200 chỉ tiêu. Điểm chuẩn có thể thấp hơn 1-2 điểm so với các ngành tương đương tại các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ học phí cho sinh viên theo các mức nhất định, kinh phí này có thể chi trả thẳng vào học phí hoặc được trường dùng cấp học bổng tương đương học phí. Thứ 2 là ĐHQG Hà Nội đang mở các lớp đào tạo trình độ thạc sĩ, chuyên ngành Quản trị địa phương. Năm 2024 dự kiến khai giảng 04 lớp. ĐHQG đề xuất mở 01 lớp với khoảng 50-60 học viên tại Hà Tĩnh. Đối tượng tuyển sinh là cán bộ, viên chức của tỉnh. Chính sách học phí sẽ có những điều chỉnh phù hợp với chính sách đào tạo đội ngũ của địa phương.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất các chủ trương, nội dung phối hợp; cách thức thực hiện, các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc tuyển sinh theo mô hình liên kết cũng như các nội dung liên quan đến vấn đề mở lớp đào tạo thạc sĩ Quản trị địa phương.

Đồng chí Trần Thế Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Thế Dũng cho rằng, để thực hiện đề án còn rất nhiều khó khăn phía trước. Các bên cần nghiêm túc, tập trung, thống nhất, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành; căn cứ các quy định của Nhà nước, cơ chế, chính sách của Hà Tĩnh và học tập kinh nghiệm từ các tỉnh bạn triển khai thực hiện đảm bảo thời gian, hiệu quả.

Đối với công tác tuyển sinh theo mô hình liên kết, cần xác định rõ các ngành ở tỉnh đang thiếu hụt nhân lực; bên cạnh việc xây dựng cơ chế hỗ trợ từ ngân sách, cần xã hội hóa nguồn lực để thu hút sinh viên. Trường Đại học Hà Tĩnh cần chủ động học hỏi, xác định rõ khó khăn, thuận lợi để kịp thời có đề xuất, kiến nghị với tỉnh và ĐHQGHN; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, phấn đấu kịp thời tuyển sinh trong năm 2024.

Đồng chí Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh  kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu thống nhất với phương án thực hiện tuyển sinh đại học theo mô hình liên kết. Giao Trường Đại học Hà Tĩnh làm việc cụ thể với Ban Đào tạo - ĐHQGHN thống nhất các ngành đào tạo phù hợp, xây dựng khung chương trình và lộ trình đào tạo, báo cáo Bộ GD&ĐT phê duyệt; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên theo học chương trình liên kết. Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị Địa phương của ĐHQGHN tại Hà Tĩnh, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý...

Các tin khác