Nhân tố gia đình tác động đến sự hình thành ý chí cứu nước của Chủ Tịch Hồ Chí Minh
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin tức - Sự kiện
- Ngày đăng: 18 Tháng 5 2015
- Tác giả ThS. Trần Thị Thúy - Khoa Lý luận chính trị
- Lượt xem: 45501
Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn được đặt ra với một yêu cầu bức thiết nhằm làm cho tư tưởng của Người thực sự trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và dân tộc ta.
Sau hơn 20 năm đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh (từ 1991-nay), dù đã có rất nhiều công trình, bài viết, hội thảo về Người được diễn ra cả trong và ngoài nước, song các nhà khoa học cho rằng: “Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ hết sức to lớn, mới mẻ và đầy khó khăn, bởi tư tưởng của Người vô cùng vĩ đại và phong phú, mà tầm với của chúng ta lại còn quá thấp trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu về Người”. Quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh là một vấn đề cơ bản thuộc lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng. Trong đó, nhân tố gia đình có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành chí hướng cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ảnh hưởng từ người cha - Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Có nhiều bằng chứng cho thấy Nguyễn Sinh Sắc rất có chủ định để cho Nguyễn Tất Thành có cơ hội trải nghiệm thực tiễn cũng như luôn chú ý đến việc định hướng cho người con thứ của mình đi tìm đường cứu nước.Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, gần gũi với nhân dân. Cha của Người là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cụ là người thầy đầu tiên của Nguyễn Sinh Cung - dạy chữ, dạy làm người và giáo dục lòng yêu nước cho con.
Trong gia đình, Nguyễn Sinh Cung là người được cha yêu thương và đặt nhiều hy vọng nhất. Trong năm năm từ chối không ra làm quan, Nguyễn Sinh Sắc thường đến những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi và anh dũng, kết giao với những người có lòng yêu nước, có chí cứu nước, đặc biệt là lớp sĩ phu yêu nước, có tư tưởng “bài” phong kiến, chống Pháp như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân… Và điều đặc biệt, đi đến đâu ông cũng thường cho Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đi cùng. Trong những người mà ông Sắc thường gặp gỡ có ông Phan Bội Châu. Giống như nhiều nhà nho yêu nước lúc bấy giờ, Phan Bội Châu cũng day dứt trước hiện tình đất nước và số phận của dân tộc. Sau này, Hồ Chí Minh đã nhắc lại: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi sự thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, người kia lại nghĩ là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
Việc định hướng của người cha đầu tiên thể hiện ở quyết định cho các con đến học một thầy giáo có lòng yêu nước thương dân đó là thầy Vương Thúc Quý, đặc biệt đây là sĩ phu có tư tưởng cấp tiến. Hơn nữa, “nhà thầy Quý là nơi lui tới của các sĩ phu yêu nước trong vùng. Nhiều khi Nguyễn Tất Thành được thầy sai tiếp nước cho những vị khách đặc biệt, nhờ đó cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất nhà tan”. Đồng thời, Nguyễn Sinh Sắc đã tạo điều kiện cho con ông được “tham gia” vào các cuộc tiếp xúc của mình với các văn thân sĩ phu ở khắp Trung Kỳ. Sau đó, “Tất Thành còn được ông cho theo ra Thái Bình trong dịp ông đi tìm gặp một số sĩ phu ở đất Bắc”. Những chuyến đi đó là những cuộc trải nghiệm để Nguyễn Tất Thành định hình riêng cho mình con đường đi.
Với tư tưởng tiến bộ và chán ghét chốn quan trường, năm 1905, cụ Sắc cho hai người con trai của mình - là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung xuống Vinh học trường Tiểu học Pháp - bản xứ. Đây là một quyết định được cho là khác người của cụ, bởi vào trường này là phải học chữ Pháp, trong khi cụ theo đuổi nền giáo dục truyền thống theo lối nho học (cụ đỗ Phó bảng năm 1901). Trong số các sĩ phu yêu nước thời đó, họ ghét Pháp thì ghét luôn cả thành tựu văn hoá của nó, không muốn cho con cái theo học chữ Tây, chữ Quốc ngữ. Có thể nói, quyết định trên của cụ Nguyễn Sinh Sắc một phần từ sự chán ghét chốn quan trường, chán ghét sự giả dối, đồi truỵ của những ông quan triều đình Huế. Chính tại ngôi trường này, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với văn hoá phương Tây và lần đầu tiên biết đến khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Sau này Người nhắc lại: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái… Và từ thủa ấy, tôi rất muốn quen vơi nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”. Ngoài thời gian học tập, Nguyễn Tất Thành thường được cha đưa đến các vùng trong tỉnh như làng Đồng Thái (quê hương của Phan Đình Phùng), thăm các di tích làng Lục niên, miếu thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp,… Đây là những bài học thực tế bổ ích, quan trọng, mắt thấy, tai nghe đã góp phần hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành.
Một điều đáng chú ý là trong khi Phan Bội Châu đang hô hào Đông Du thì Nguyễn Sinh Sắc không phản đối nhưng cũng không ủng hộ nhiệt thành. Điều này thể hiện ở sự kiện tháng 5/1905, khi Phan Bội Châu cử Nguyễn Thức Canh đến Kim Liên tìm Nguyễn Tất Thành để rủ sang Nhật nhưng không gặp được (vì lúc này cha con ông Sắc đang ở Bắc Kỳ), nhưng đến tháng 9/1905, ông Sắc đã cho con nhập học lớp dự bị của trường tiểu học Vinh với chương trình đào tạo nặng nề về tiếng Pháp. Rõ ràng chủ ý của ông lúc này là muốn cho con tiếp xúc với văn minh phương Tây mà trực tiếp là văn hoá Pháp với lý lẽ: “Muốn đánh kẻ thù phải học tiếng kẻ thù để hiểu được kẻ thù”. Tiếp đó, từ năm 1906 đến 1908, khi vào nhậm chức ở Huế, Nguyễn Sinh Sắc đã cho hai con cùng đi và cho con tiếp tục học ở trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba và Trường Quốc học Huế.
Giáo dục tư tưởng cứu nước, cứu dân và đặt niềm tin vào con mình của cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tạo thành ý chí, nghị lực và động lực cho Nguyễn Tất Thành. Sau này, trên đường đi vào phía Nam, “Nguyễn Tất Thành lên Bình Khê (Bình Định) thăm cha. Thấy con trai đến Bình Khê, cụ Nguyễn Sinh Sắc hỏi con: - Con đến đây làm gì? – Con đến đây tìm cha. Nghe vậy, cụ Sắc trìu mến nói với con: - Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Nguyễn Tất Thành đã từ biệt thân phụ với niềm thôi thúc: “Nước mất thì đi tìm hồn của nước”. Anh thầm nghĩ: cảm ơn cha đã sinh thành, nuôi dạy con khôn lớn và hiểu điều con đang ao ước lúc này.
Sự giáo dục của Nguyễn Sinh Sắc không chỉ truyền cho các con trí tuệ, học vấn, mà còn truyền lòng nhiệt huyết, chí khí mạnh mẽ và động lực vượt qua mọi gian nan để vươn tới sự nghiệp lớn cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Tính cách, ý chí của người dân xứ Nghệ, lòng yêu nước, thương dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc đã ảnh hưởng sâu sắc tới Nguyễn Tất Thành và theo suốt cuộc đời Hồ Chí Minh sau này.
Ảnh hưởng từ người mẹ nhân từ và hiền hậu - Bà Hoàng Thị Loan
Bà Hoàng Thị Loan sinh ra trong một gia đình Nho học, ít nhiều có được học chữ thánh hiền; lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước với những làn điệu dân ca trữ tình, bà đã sớm có vốn sống, vốn văn học dân gian phong phú. Kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc, một người mồ côi cả cha lẫn mẹ - Bà đã chấp nhận cuộc sống vất vả, khó khăn về vật chất để chồng được dùi mài kinh sử, hun đúc tài năng. Bà đã sinh hạ được 4 người con và có một cuộc sống tình cảm vô cùng đẹp đẽ với chồng con. Nhờ có Bà động viên, khuyến khích, ông Nguyễn Sinh Sắc yên tâm dùi mài kinh sử và không phụ công Bà, ông đã đỗ đạt thành danh. Do hoàn cảnh gia đình quá chật vật, khó khăn và nhất là với tấm lòng cao đẹp của người mẹ không muốn con mình quá thiếu thốn, với quyết tâm của người vợ không muốn chồng mình phải ngừng học tập vì miếng cơm, manh áo, Bà đã lao động cật lực. Bằng lao động, bằng cả tấm lòng yêu chồng, thương con, Bà đã hy sinh tất cả vì chồng con và chính Bà đã vun đắp nên cuộc đời và sự nghiệp đẹp đẽ của họ. Nhưng cũng vì lao động quá sức, đời sống ngặt nghèo, thiếu thốn nên Bà đã lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 33 để lại niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình, người thân, bà con lối xóm.
Bà Hoàng Thị Loan đã có tác động tích cực đến các con bằng tính tình giản dị, khiêm tốn, đức hy sinh, chung thủy, yêu đời, yêu nước. Bà đã giáo dục con ngay từ thủa trong nôi qua những lời ru bằng làn điệu dân ca xứ Nghệ, bằng tục ngữ, ca dao... Bà đã dành nhiều tâm sức để truyền thụ cho con những hiểu biết ban đầu về cuộc sống, dạy con biết yêu lao động, biết làm những việc phù hợp với sức lực và lứa tuổi một cách say mê, chịu khó, sáng tạo. Bà đã tập cho con những việc tốt và thực tế đã trở thành nếp sống quen thuộc hàng ngày của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Lúc ra đi tìm đường cứu nước, trả lời người bạn về việc lấy tiền đâu để đi, Nguyễn Tất Thành đã giơ hai bàn tay và nói: “- Đây, tiền đây. - Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Đó chính là đức tính quý báu được giáo dục từ những đấng sinh thành mẫu mực và hiền từ đã góp phần quan trọng hình thành nên nhân cách, ước mơ, hoài bão của Nguyễn Tất Thành. Sau này, qua quá trình bôn ba qua khắp các đại dương, các châu lục tìm tòi, khảo nghiệm con đường cứu nước giải phóng dân tộc, Nguyễn Tất Thành đã tự lao động và đã làm nhiều nghề khác nhau để sống, để học tập và đấu tranh nhằm thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.
Tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung như tờ giấy trắng mà Bà Loan là người đã viết những dòng đầu tiên, định hướng nhân cách, toả sáng tâm hồn, bồi đắp lòng bác ái, tình nghĩa đồng bào. Ngay từ tuổi ấu thơ, tấm gương của người mẹ đã đi vào tâm khảm, tạo nên bản lĩnh tự lực cánh sinh trong mọi lúc, mọi nơi của Nguyễn Tất Thành sau này.
Đức tính thương người, yêu nước, gan dạ từ các thành viên trong gia đình
Nguyễn Thị Thanh là người chị cả, có hiệu khác là Bạch Liên nữ sĩ, bà hoạt động tích cực chống Pháp dưới ngọn cờ yêu nước của chí sĩ Phan Bội Châu. Năm 1918bà Nguyễn Thị Thanh phối hợp với Nguyễn Kiên tổ chức lấy trộm súng trong doanh trại lính khố xanh đóng tại thành phố Vinh, bị bắt và nhốt vào nhà tù tra tấn dã man. “Chúng nung đỏ chiếc mâm đồng… Một chiếc mâm đồng nung đỏ mà chúng bắt O ngồi lên đó… Một nỗi đau đớn đến tận cùng xuyên sâu từ da thịt vào xương tủy… Nhiều ngày sau đó O không đi lại được… Vết bỏng đã làm biến dạng cả cơ thể, xoắn vặn cả tâm hồn O”. (Theo lời kể của nhà văn Sơn Tùng)
Nguyễn Sinh Khiêm - Ông còn được gọi là Cả Khiêm, tên tự là Tất Đạt. Thời thanh niên, ông tham gia các hoạt động yêu nước chống thực dân và phong kiến nên từng bị tù đày nhiều nǎm. Do hành nghề thầy thuốc và thầy địa lý, ông còn có biệt danh là "Thầy Nghệ". Chịu ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, cô Thanh và anh Đạt đều là những người chăm chỉ lao động và thương người, yêu nước và căm thù giặc ngoại xâm đã gây nên cảnh ly tán, mất mát đau thương cho gia đình, cho dân tộc Việt Nam.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, yếu tố gia đình giữ vai trò quan trọng, đã đặt nền móng và kiến tạo nên nhân cách và hoài bão cứu nước, cứu dân của Hồ Chí Minh.
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, nhân cách con người phần nhiều do giáo dục mà nên. “Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.
Trong tiến trình vận động và phát triển, gia đình luôn có một vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và giữ gìn các giá trị văn hóa. Gia đình là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những giá trị truyền thống của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua 4000 năm lịch sử, những di sản quý báu của dân tộc Viêt Nam như lòng yêu nước, tình cảm đoàn kết thương yêu nhau trong cộng đồng, sự say mê trong lao động, sáng tạo, ý chí kiên trì nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn, thử thách; lòng chung thuỷ, hiếu nghĩa đã được truyền dạy trong gia đình và cộng đồng từ thời tổ tiên ông bà cho tới đời cháu con trong suốt dòng lịch sử. Thực tế đã chứng minh rằng nhiều thế hệ cách mạng ở nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã được nuôi dưỡng bởi những giá trị truyền thống từ gia đình, không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh quên mình vì tổ quốc; thành công của cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với những đóng góp mẫu mực của biết bao “gia đình có công với cách mạng”, “Gia đình thương binh liệt sỹ”, “ Gia đình các Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Hiện nay dưới sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập, nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam đang có những vận động và biến đổi. Bên cạnh việc xuất hiện nhiều giá trị mới của xã hội hiện đại thì nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt Nam đang có nguy cơ bị xâm hại và dần mai một đi. Nhiều nơi, nhiều gia đình đã có những dấu hiệu của sự khủng hoảng, các mối quan hệ truyền thống trong gia đình vốn tốt đẹp và bền vững ngày càng trở nên lỏng lẻo; phong cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình trở nên thô kệch, thiếu văn minh. Vậy, làm thế nào để có thể phát huy tối đa vai trò trong việc giáo dục và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình?
Thứ nhất: Giáo dục các truyền thống văn hoá gia đình, đó là giáo dục lòng thành kính, tôn thờ tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn những người đã sinh thành dưỡng dục mình.
Cần nhận thức rõ rằng, giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình có ý nghĩa rất quan trọng. Để thực hiện tốt chức năng này, trước hết người cha và người mẹ phải là tấm gương sáng để con cái noi theo. Ngay từ những ngày đầu tiên học sách thánh hiền, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã ý thức đến thụ giáo thầy trước tiên là phải học lễ, tức là học cách làm người. Giáo lý lễ nghĩa ấy kết hợp với thân giáo hàng ngày của người cha Nguyễn Sinh Sắc, đặc biệt là của người mẹ Hoàng Thị Loan đã thấm dần vào ký ức tuổi xanh của Nguyễn Sinh Cung, rồi được hoàn thiện dần theo sự tăng trưởng của tuổi đời và đã thiết thực đóng góp vào hành trang rời tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước của Văn Ba.
Thứ hai: Trong những năm gần đây, nội dung giáo dục văn hóa truyền thống trong gia đình đã được tích hợp và lồng ghép giáo dục trong nhiều môn học ở nhà trường. Để nhà trường trở thành một cơ sở giữ gìn và giáo dục có hiệu quả truyền thống văn hóa, thì nhất thiết phải đẩy mạnh các hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống phù hợp với tâm lý, tình cảm của từng lứa tuổi; thông qua các hoạt động ngoại khoá, các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống; đẩy mạnh hơn nữa các phong trào hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, … nhằm tạo môi trường thuận lợi để các em tự hấp thụ, tự hiểu và tự nguyện tham gia từ đó đi đến ham thích các hoạt động tìm hiểu các giá trị truyền thống.
Thứ ba: Ngày này, giới trẻ có những biểu hiện thờ ơ trước những giá trị truyền thống tốt đẹp và thiêng liêng của gia đình, của dân tộc. Với sự sôi động của xã hội hiện đại, lối sống tôn thờ chủ nghĩa tự do thái quá cùng với sức mạnh của đồng tiền và sức mạnh của bộ máy truyền thông đã làm thay đổi những cảm xúc chưa có chiều sâu của giới trẻ. Chính vì vậy, cần có một chiến lược rõ ràng nhằm nghiên cứu, lựa chọn những vấn đề có nội dung phong phú, phù hợp với những đòi hỏi của công cuộc xây dựng con mới, xã hội mới nhằm định hướng cho sự phát triển nhận thức, nhân cách và các giá trị văn hóa trong gia đình, xã hội.
Thứ tư: Khơi dậy những giá trị văn hoá dân gian phù hợp với hình thức giáo dục trong gia đình. Nhắc đến quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến một hình thức văn hoá đặc sắc mà chỉ xứ Nghệ mới có, đó là điệu Ví phường Vải. Ví phường Vải là ngọn nguồn tươi mát, là dòng sữa mẹ tinh khiết, thơm lành đã nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của người dân nơi đây lớn lên cùng chiều dài lịch sử đất nước và đã góp phần quan trọng hun đúc khí phách kiên cường tạo đà cho họ có thể làm nên những trang sử oanh liệt, oai hùng. Để rồi đến lúc Bác sắp sửa đi xa, Người vẫn nhớ những câu hò điệu ví như nhớ về tuổi thơ của mình. Tinh hoa ví Phường Vải đã trở thành tố chất văn hoá mang tính cội nguồn, có dấu ấn trong hành trang rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Hơn một thế kỷ qua, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của nó vẫn đang tiếp tục tác động mạnh mẽ đến toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong đó, nhân tố truyền thống gia đình có tác động mạnh mẽ thúc đẩy hành động xuất dương lịch sử đó. Để xây dựng con người mới, nền văn hóa mới “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng. “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt; gia đình càng tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt” (trích Bài nói của Hồ Chí Minh tại Hội nghị Cán bộ thảo luận: “Dự thảo luật Hôn nhân và gia đình” 10-10-1959).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Hoàng Linh-Nguyễn Văn Dương, Chuyện kể về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2008.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
3. Song Thành (chủ biên), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006.
4. Đức Vượng (1993), Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Trần Dân Tiên (1975), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội.
6. Trần Minh Siêu, Những người thân trong gia đình Bác Hồ, NXB Nghệ An, 1995.
Tin mới
- Khoa Kỹ thuật – Công nghệ tổ chức Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ VIII - 01/06/2015 03:57
- Trường Đại học Hà Tĩnh tham dự Hội thảo khoa học cán bộ trẻ các trường đại học sư phạm 2015 - 26/05/2015 08:37
- Lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Hà Tĩnh giành giải cao tại Hội thi tiếng Việt và giao lưu văn hóa Việt – Lào - 20/05/2015 02:53
- Giới thiệu sách tháng 05/2015 - 20/05/2015 02:36
- Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - một đêm hội đầy sắc màu - 18/05/2015 04:03
Các tin khác
- Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015 - 15/05/2015 07:59
- SeABank chào đón nhân tài - 13/05/2015 03:39
- Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ mười (khóa XI) và nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh - 13/05/2015 03:29
- Sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh với công tác phòng, chống ma túy - 13/05/2015 03:15
- Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh năm học 2014 - 2015 - 12/05/2015 02:07
- Sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh giành giải cao tại kỳ thi Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc lần thứ 18 - 01/05/2015 09:07
- Đại hội Chi bộ khối Đào tạo nhiệm kỳ 2015 - 2017 thành công tốt đẹp - 25/04/2015 01:08
- Đội tuyển trường Đại Học Hà Tĩnh tham dự kỳ thi Olympic toán sinh viên toàn quốc lần thứ XXIII xuất sắc giành hai giải ba - 24/04/2015 00:46
- Chi bộ Khoa Sư phạm Tự nhiên tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2017 thành công tốt đẹp - 23/04/2015 08:55
- Ngày hội đọc sách tại Trường Đại học Hà Tĩnh - 21/04/2015 16:05
- Chi Bộ Tâm Lý- Giáo Dục Thể Chất tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2015 -2017 - 20/04/2015 02:09
- Đại hội điểm Chi bộ khoa Lý luận chính trị, nhiệm kỳ 2015 - 2017 thành công tốt đẹp - 19/04/2015 03:08
- Chi bộ Tổ chức- Hành chính tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2015-2017 - 17/04/2015 08:39
- Đại hội Chi bộ Khoa Kỹ thuật - Công nghệ nhiệm kỳ 2015-2017 thành công tốt đẹp - 17/04/2015 08:30
- Đại hội điểm Chi bộ khối Quản trị - Thiết bị - Y tế môi trường nhiệm kỳ 2015-2017 thành công tốt đẹp - 16/04/2015 02:20