Trường Đại học Hà Tĩnh - HaTinh University

Một số biện pháp nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên tại Trường Mầm non Đại học Hà Tĩnh

Giáo dục mầm non có vị trí rất quan trong, là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển thể chất, nhận thức, tính cảm xã hội và thẩm mỹ của trẻ. Việc chăm sóc, giáo dục tốt cho trẻ từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ. Từ thực tiễn giáo dục cho thấy “Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên sẽ có tính quyết định tới việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non”. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tại Trường mầm non đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

1. Vài nét về đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Đại học Hà Tĩnh

Trường Mầm non Đại học là trường mầm non công lập tự chủ duy nhất hiện tại của Hà Tĩnh. Ngoài chức năng nôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, Trường còn là cơ sở thực hành Sư phạm của Trường Đại học Hà Tĩnh. Được thành lập từ năm học 2017 – 2018 với tổng số 2 cán bộ quản lý, 4 giáo viên và 2 nhân viên thì đến này trường đã có tổng 13 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Đội ngũ giáo viên nhà trường có đam mê với nghề, tâm huyết với trẻ, nhiệt tình với công việc, luôn có tinh thần học hỏi cao, không ngại khó khăn, giám thử thách với những điều mới mẻ, thường xuyên cập nhật những lý thuyết và phương pháp giáo dục mới. Kỹ năng công nghệ thông tin của giáo viên tốt nên tận dụng của lợi thế thời đại công nghệ để ứng dụng vào các hoạt động chuyên môn hiệu quả. Tuy vậy, đội ngũ giáo viên của nhà trường còn rất trẻ về tuổi đời và tuổi nghề (kinh nghiệm giáo dục trung bình là 5 năm) nên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong các hoạt động giáo dục trẻ, khả năng giao tiếp ứng xử và giải quyết các tình huống sư phạm chưa linh hoạt. Vì còn trẻ nên tính kỷ luật và tập trung chưa cao, vẫn bị cảm xúc lấn át trong công việc vì thế tính ổn định, hiệu quả vẫn chưa ổn định.

2. Một số Biện pháp nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên Mầm non tại trường Mầm non Đại học Hà Tĩnh

  2.1.  Bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên

Công tác bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên trường Mầm non Đại học Hà Tĩnh là một việc làm rất quan trọng và cực kỳ cần thiết bởi lẽ phẩm chất chính trị có vững vàng, tư tưởng chính trị có tốt thì người giáo viên mới “yêu nghề, mến trẻ”, tận tụy với công việc, yên tâm công tác. Đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giáo viên có tốt thì hoạt động CSND và giáo dục trẻ trong trường mầm non mới thực hiện tốt, mới thương yêu trẻ như con của mình.

Bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên phải được xác định là biện pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài trong sự nghiệp giáo dục. Chúng ta chăm sóc giáo dục trẻ với mục tiêu phát triển toàn diện nên tất cả các nội dung phải được cân bằng như vậy kết quả mới thực chất. Việc “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” cũng được cụ thể hóa bằng các buổi nói chuyện về Bác Hồ, nêu gương người tốt việc tốt...từ đó giúp giáo viên thấm nhuần tư tưởng của Người. Bên cạnh đó cũng thực hiện nghiêm túc, công khai công tác kiểm tra, đánh giá, tổ chức xét thi đua dựa theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, đưa lĩnh vực phẫm chất chính trị, đạo đức, lối sống là một trong những lĩnh vực quan trọng để xét thi đua hàng tháng, học kỳ và năm học.

  2.2. Bồi dưỡng kỹ năng xây dựng kế hoạch, thực hiện chuyên đề cho giáo viên

Bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên xây dựng kế hoạch chuyên môn linh hoạt, sát với nhiệm vụ trọng tâm năm học của ngành, nhà trường và địa phương, kế hoạch chuyên môn theo từng tuần, từng tháng, từng giai đoạn hoạt động, đảm bảo mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình của lớp, phù hợp với điều kiện thực tiễn khi lựa chọn chủ đề sát với đặc điểm nhận thức của trẻ mình trực tiếp dạy. Chỉ đạo đội ngũ CBGV nghiên cứu kỹ về chương trình GDMN sau sửa đổi, đổi mới phương pháp dạy học theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức hoạt động trải nghiệm.

  Công tác bồi dưỡng được thực hiện tốt cần phải triển khai một cách  hợp lý, xây dựng hệ thống kế hoạch chương trình, nội dung chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm và các kiến thức bổ trợ khác để bổ sung kiến thức, tăng vốn hiểu biết, hình thành năng lực truyền đạt kiến thức, giúp cho GV tư duy, sáng tạo có thói quen tự học, tự bồi dưỡng, bản thân tôi đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, bám sát kế hoạch để thực hiện bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán nắm vững chuyên môn để  đem lại kết quả cao.

  2.3. Thường xuyên bồi dững cho giao viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục.

Khi tổ chức các hoạt động giáo dục chỉ đạo giáo viên tổ chức với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phương pháp giáo dục phát huy được tính tích cực, chủ động học tập của trẻ, trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”. Trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục luôn động viên, khuyến khích trẻ sáng tạo, tự tìm tòi, khám phá và bộc lộ hết khả năng của bản thân. Giáo viên chỉ là người gợi mở, tạo cơ hội cho trẻ thực hiện. Trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ luôn giữ vai trò chủ động, giáo viên chỉ là người điều khiển, hướng dẫn trẻ thực hiện và hỗ trợ trẻ khi cần thiết, không làm thay trẻ.

  2.4. Bồi dưỡng cho giáo viên xây dựng môi trường giáo dục dục trong và ngoài lớp học an toàn, thân thiện

Để thực hiện tốt các hoạt động hàng ngày trong lớp học có chất lượng, luôn đảm bảo an toàn và thân thiện chúng tôi đã chú trọng hướng dẫn giáo viên các lớp làm tốt công tác trang trí lớp học như các mảng tường mở cho trẻ hoạt động theo các chủ đề, trang trí sắp xếp gọn gàng ngăn nắp ở các góc phù hợp với từng chủ đề và phù hợp với từng độ tuổi, trang trí tạo môi trường học tập, vui chơi cho trẻ có màu sắc hài hòa, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, tạo được không gian gần gũi, thân thiện mỗi khi trẻ đến lớp. Điều đó sẽ gây hứng thú cho trẻ và tạo ra kết quả của trẻ hoạt động cao nhất, góp phần hình thành và nâng cao mối quan hệ thân thiện giữa cô và trẻ, giữa trẻ và trẻ.

2.5. Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thông qua tổ chức các hội thi, cuộc thi.          

Việc tổ chức các hội thi cho giáo viên là một hình thức có ý nghĩa rất lớn cho việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, tạo cơ hội để giáo viên được học tập, trao đổi kinh nghiệm. Khi tham gia thi đòi hỏi giáo viên phải đầu tư công sức, nghiên cứu kỹ nội dung chương trình, tìm ra hình thức, phương pháp linh hoạt, sáng tạo để thu hút sự hứng thú của trẻ vào tiết dạy; đồng thời giáo viên phải tự nghiên cứu, sưu tầm các phương tiện, đồ dùng đồ chơi phục vụ, bổ trợ trong tiết học, cách trình bày, cách giao tiếp, tạo sự mạnh dạn tự tin vựơt qua chính mình.

  2.6. Bồi dưỡng cho giáo viên làm tốt công tác tuyên truyền, phối kết hợp với các bậc phụ huynh trong các hoạt động giáo dục

  Trao đổi, trò chuyện với phụ huynh về công tác chăm sóc trẻ, về sức khỏe trẻ, chế độ ăn và tập luyện cho trẻ suy dinh dưỡng cũng như tỷ lệ chuyên cần và cách phòng tránh các dịch bệnh, chỉ đạo GV xây dựng một số video để giúp phụ huynh hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà giúp phụ huynh nắm bắt được kế hoạch học tập của lớp, phối hợp với nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

 2.7. Bồi dưỡng giáo viên qua công tác kiêm tra, đánh giá

   Để làm tốt trong công tác bồi dưỡng đội ngũ GV trong nhà trường không thể lơ là trong trong tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các hoạt động của giáo viên. Trong công tác kiểm tra đảm bảo tính khách quan và công khai, công bằng và dân chủ. Sau kiểm tra phải có những nhận xét đánh giá chính xác, phân tích các ưu điểm, tồn tại của giáo viên để giúp họ phát huy những mặt mạnh, khắc phục những hạn chế áp dụng vào thực tế chăm sóc giáo dục trẻ.

  Có thể khẳng định muốn xây dựng một nhà trường tiên tiến thì phải xây dựng và bồi dưỡng một đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, một tập thể sư phạm vững mạnh. Muốn vậy, Trước hết người Cán bộ quản lý phải là tấm gương sáng về đạo đức, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng tổ chức các hoạt động sư phạm, luôn luôn nghiên cứu học hỏi. Người giáo viên phải luôn tu dưỡng rèn luyên phẩm chất và năng lực, nhiệt tình yêu nghề, mến trẻ, có trách nhiệm cao đối với công việc. Luôn có tinh thần học hỏi chị em đồng nghiệp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của bản thân. GV tổ chức thực hiện các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ nghiêm túc, đúng kế hoạch, đảm bảo cho các cháu được học tập, vui chơi đúng chương trình.GV phải linh hoạt đổi mới, sáng tạo và áp dụng một cách linh hoạt, dạy học theo hướng “giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm’’ xây  dựng môi trường lớp học xanh, sạch, đẹp an toàn và thân thiện. Giáo viên phải nắm bắt được tâm sinh lý, khả năng nhận thức và kỹ năng để lựa chọn phương pháp thích hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT- Điều lệ trường mầm non ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Bộ Giáo dục và Đào Tạo (2014). Thông tư 16/2014/TT – BGDĐT ban hành Quy chế hoạt động của trường thực hành sư phạm, ngày 16 tháng 5 năm 2014. 

Các tin khác