Hợp tác
Một số yêu cầu cơ bản trong dạy học môn Giáo dục công dân cho học sinh Trung học phổ thông
- Chi tiết
- Chuyên mục: Nghiên cứu
- Ngày đăng: 20 Tháng 11 2014
- Tác giả ThS. Đào Thị Thuý
- Lượt xem: 30781
Môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường Trung học phổ thông (THPT) là một hệ thống kiến thức liên quan đến nhiều lĩnh vực như triết học, đạo đức học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, pháp luật, đường lối, quan điểm của Đảng, một số chính sách quan trọng của Nhà nước Việt Nam. Để giảng dạy tốt môn GDCD cho học sinh THPT, người giáo viên cần thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản sau:
1. Đảm bảo tính phổ thông, cơ bản và hiện đại
Tri thức phổ thông là những tri thức thiết yếu đối với cuộc sống, cần phải phổ cập với mọi người; tri thức cơ bản là hệ thống những tri thức và kỹ năng quan trọng được lựa chọn từ các lĩnh vực khoa học, làm cơ sở vững chắc cho mọi người học tập suốt đời; tri thức hiện đại là những kiến thức mang tính chuẩn mực, có khả năng ứng dụng và phù hợp với xu thế giáo dục của thế giới.
Đảm bảo tính phổ thông cơ bản và hiện đại trong dạy học chính là trang bị cho học sinh những kiến thức mà học sinh có thể vận dụng vào cuộc sống của bản thân. Đó là những tri thức phù hợp với trình độ nhận thức, phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lí của học sinh, sát với mục tiêu đào tạo của nhà trường phổ thông nói chung và trường THPT nói riêng.
Môn GDCD, là một môn khoa học luôn khái quát những thành tựu của các khoa học khác, luôn được bổ sung những tri thức mới về sự phát triển của đời sống xã hội và bản thân, giáo viên không thể thông tin cho học sinh tất cả nhưng tri thức mới mà chỉ giúp các em nắm bắt và xử lí thông tin trong khuôn khổ nội dung và chương trình học tập được xác định là phổ thông, cơ bản và hiện đại. Những tri thức đó sẽ được tiếp tục bổ sung với mức độ cao và chuyên sâu hơn ở các bậc học cao hơn hoặc trong thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, việc đảm bảo truyền thụ những tri thức, phổ thông, cơ bản và hiện đại sẽ giúp giáo viên tránh được khuynh hướng giảng dạy vượt quá khả năng tiếp nhận và xử lí thông tin của học sinh hoặc đơn giản hoá những tri thức mang tính khái quát hoá, trừu tượng hoá môn GDCD.
2. Đảm bảo tính hệ thống
Kết cấu chương trình, nội dung của môn học bao giờ cũng theo một hệ thống tri thức xác định mang tính pháp lệnh, buộc giáo viên phải thực hiện một cách nghiêm ngặt. Chương trình môn GDCD bậc THPT gồm có 5 phần, chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau, đồng thời có quan hệ chặt chẽ với chương trình môn GDCD Trung học cơ sở theo nguyên tắc tích hợp, đồng tâm và phát triển.
Phần thứ nhất tập trung vào một số nội dung chủ yếu liên quan đến Triết học, nhằm trang bị cho học sinh những cơ sở ban đầu về thế giới quan, phương pháp luận trong cuộc sống là cơ sở lí luận cho các phần sau. Phần thứ hai tập trung vào một số giá trị đạo đức của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Phần thứ ba cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về một số phạm trù, quy luật kinh tế và phương hướng phát triển kinh tế ở Việt Nam, trên cơ sở đó giúp học sinh có thể xác định được phương hướng học tập, lựa chọn ngành nghề hoặc các lĩnh vực hoạt động của bản thân sau khi các em tốt nghiệp THPT. Phần thứ tư giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa xã hội và một số chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước để học sinh có thể xác định trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Phần thứ năm cung cấp những hiểu biết cơ bản về bản chất, vai trò và nội dung của pháp luật trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm giúp người học có thể chủ động, tự giác điều chỉnh các hành vi của cá nhân và đánh giá được hành vi của người khác trên cơ sở căn cứ quyền và nghĩa vụ của công dân trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Với kết cấu 5 phần của bộ môn, đó là một hệ thống chung không thể tuỳ tiện thay đổi trong quá trình giảng dạy, nên yêu cầu giáo viên phải chú ý đến tính hệ thống, đến quan hệ giữa các phần, các bài, các mục, giữa tri thức chung mang tính lí luận khái quát với tri thức cụ thể. Thực hiện tốt yêu cầu này sẽ tránh được sự tuỳ tiện cắt xén hay bổ sung vào nội dung bài giảng những tri thức không thuộc nội dung cần thông tin, hoặc đảo lộn trình tự lôgic các vấn đề cần giảng dạy, kể cả việc giảng dạy các khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật.
3. Liên hệ với thực tế
Việc giảng dạy bất kỳ môn học nào ở trường THPT cũng phải tuân theo nguyên tắc “lý luận gắn liền với thực tiễn”. Những tri thức môn GDCD luôn gắn chặt với tình hình thực tế của đời sống xã hội, sự phát triển của thế giới, của đất nước, của con người Việt Nam. Trong khi đó thế giới khách quan và cuộc sống luôn vận động, biến đổi hàng ngày, hàng giờ. Đó chính là thực tế sinh động góp phần đắc lực vào việc làm sáng tỏ, chứng minh cho lí thuyết khoa học của bộ môn và đó cũng là quá trình rèn luyện tư duy lí luận cho từng học sinh, từng bước giúp các em tiếp cận với phương pháp nhận thức, phương pháp nghiên cứu và rèn luyện cho mình cách suy nghĩ độc lập, sáng tạo. Tuy nhiên thực tế rất đa dạng và phong phú, đòi hỏi khi giảng dạy giáo viên phải lựa chọn sao cho sát với nội dung bài giảng và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, trình độ hiểu biết, nhận thức và tư duy của học sinh.
Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại đã làm cho quá trình dạy và học tiếp cận một cách nhanh chóng khối lượng thông tin lớn trong một thời gian ngắn, do đó trước những vấn đề gần gũi với học sinh và những vấn đề thực tế diễn ra phức tạp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở trong nước và trên thế giới thì việc chọn lọc, phân tích, đánh giá và khái quát hoá những vấn đề thực tiễn đó để đem lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học môn GDCD là hết sức cần thiết. Việc đảm bảo cho bài giảng gắn với thực tế cần tránh khuynh hướng thời sự hoá bài giảng, đơn thuần nêu thực tế mà không phân tích, đánh giá, khái quát để phục vụ bài giảng hoặc định hướng tư tưởng cho học sinh.
Tóm lại, môn GDCD là một môn khoa học có vị trí quan trọng trong nhà trường THPT. Với cấu trúc chương trình hợp lí, có tính nhất quán về kiến thức, tính sâu sắc về lí luận, tính phong phú, sinh động về thực tiễn, nên khi giảng dạy môn GDCD giáo viên cần thực hiện tốt những yêu cầu trên. Điều đó giúp giáo viên truyền thụ tri thức cho người học một cách có trình tự, lôgic, mặt khác thông qua tri thức môn học, giáo viên giúp học sinh củng cố được niềm tin, định hướng phát triển và hoàn thiện nhân cách, nhằm góp phần tích cực việc giáo dục học sinh thành những công dân mới phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Đình Bảy (chủ biên) Đặng Xuân Điều - Nguyễn Thành Minh, Phương pháp dạy học môn giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010.
2. Vương Tất Đạt, Phương pháp giảng dạy Giáo dục công dân (dùng cho THPT), Nxb Đại học sư phạm Hà nội, 1994.
3. Đinh Văn Đức- Dương Thuý Nga (đồng chủ biên) Nguyễn Như Hải - Đào Thị Hà- Vũ Thị Thanh Nga, Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông, Nxb Đại học sư phạm, 2009.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục công dân, Sách giáo viên lớp 10,11,12, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục công dân, Sách giáo khoa lớp 10, 11,12, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2011.