Trường Đại học Hà Tĩnh - HaTinh University

Trường Đại học Hà Tĩnh thực hiện tốt dân chủ cơ sở, hướng tới lợi ích chính đáng của người lao động

Trong thời gian gần đây, lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, viên chức, người lao động tại Trường Đại học Hà Tĩnh chuyển biến theo hướng tích cực, từng bước đem lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc thực hiện tốt dân chủ cơ sở trong toàn Trường góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động, thúc đẩy năng lượng tích cực, tinh thần hăng say lao động của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động.

Trường Đại học Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 318/QĐ-TTg này 19/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh, Trường Trung cấp Kinh tế Hà Tĩnh, Phân hiệu Đại học Vinh tại Hà Tĩnh. Đến tháng 11/2013 sáp nhập thêm Trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh. Hội đồng sáng lập Trường được thành lập gồm nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học có uy tín tham gia. Với nền tảng xây dựng và phát triển gần 60 năm từ tiền thân là các trường sơ cấp, trung cấp và các trường sư phạm khác được thành lập từ năm 1958. Đến nay, Trường đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh những ưu điểm và lợi thế để xây dựng và phát triển Trường trong thời gian qua thì vẫn có nhiều tồn tại Trường đã và đang tiếp tục khắc phục góp phần vào thay đổi theo chiều hướng tích cực về mọi mặt trong xây dựng Trường thời gian tới. Một trong những vấn đề lãnh đạo Trường và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động đặc biệt quan tâm là việc thực thi dân chủ trong Trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động triệt để.

Từ những năm 2016, Trường đã có Quyết định số 2380/QĐ-TĐHHT, ngày 30/12/2016 ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Trường Đại học Hà Tĩnh, trong đó quy định rõ ràng các điều khoản về trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động cũng như người học, nhằm mục đích phát huy triệt để quyền làm chủ và huy động tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ và người học vào xây dựng nền nếp, trật tự, kỷ cương trong mọi hoạt động của Nhà trường, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, thực hiện giáo dục phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời triển khai thực hiện các chủ trương của cấp trên theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi hoạt động của Nhà trường thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ đại diện, đảm bảo các tập thể, cá nhân trong toàn Trường được quyền giám sát, kiểm tra, đóng góp ý kiến xây dựng Trường.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn những mặt hạn chế: công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chưa thường xuyên; chưa có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm quy chế; vẫn còn tình trạng nể nang trong xử lý, chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, chưa có hình thức xử lý nặng tay; chưa xây dựng kế hoạch thực hiện dân chủ cụ thể theo từng năm, chưa định lượng rõ về nội dung, thời gian cụ thể trong triển khai thực hiện; việc giải quyết các vấn đề phát sinh đôi lúc chưa kịp thời.

Xác định rõ vai trò, vị trí của việc thực hiện dân chủ trong việc xây dựng và phát triển Trường, đặc biệt là giai đoạn hiện nay nhằm tiếp tục phát huy các mặt đã làm được, khắc phục các hạn chế, Trường Đại học Hà Tĩnh đã chủ động làm tốt các nhiệm vụ sau và thời gian tới tiếp tục cải tiến để đạt hiệu quả tốt hơn nữa:

Thứ nhất, đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong mọi hoạt động của Trường, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực thi dân chủ cơ sở. Phát huy được vai trò nêu gương của người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ quản lý, điều hành, dám làm dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hơn trong việc xử lý các vấn đề tồn đọng gây khó khăn cho sự phát triển của Trường.

Thứ hai, triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong Nhà trường gắn với thực thi nhiệm vụ chính trị, thực hiện đồng bộ trong mối quan hệ công tác gắn kết giữa Đảng, chính quyền và đoàn thể, giữa tập thể và cá nhân, đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động. Hiệu trưởng thường xuyên cho công khai ý kiến của tập thể như: Công tác năm của Nhà trường; Công khai minh bạch kinh phí hoạt động hàng năm; Các kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động; Nâng lương thường xuyên và trước thời hạn; Xếp loại công chức, viên chức, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật; Các Đề án, văn bản góp ý củ đơn vị….

Thứ ba, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính và triển khai thực hiện ISO 9001-2015 trong Trường, tập trung cải cách thể chế, bộ máy và nâng cao việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý cũng như hoạt động chuyên môn của Trường; tăng cường ứng dụng Công nghệ 4.0 trong việc thực hiện dân chủ, thực hiện công khai minh bạch rõ ràng trên các không gian mạng xã hội, hệ thống website của đơn vị …

Thứ tư, phát huy hơn nữa quyền dân chủ, thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến để cán bộ, viên chức, người lao động được nêu lên ý kiến, nguyện vọng của cá nhân; trước khi ban hành văn bản nào đều trưng cầu ý kiến của tập thể, cá nhân trong toàn trường và các chuyên gia ngoài trường đối với các vấn đề quan trọng mang tính chiến lược.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ vững về chuyên môn, đủ đức đủ tài, đặc biệt là đội ngũ chiến lược có trình độ cao; thực hiện tốt việc bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là rèn luyện thái độ phục vụ của người lao động trong thực tế cũng như không gian ảo. Thường xuyên thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra; đánh giá cán bộ, viên chức, người lao động nhằm nhân rộng các nhân tố điển hình, có hình thức nhắc nhở, xử lý kịp thời đối với viên chức, người lao động chưa thực hiện tốt, đang còn sai phạm.

Các tin khác