Về vấn đề quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin tức - Sự kiện
- Ngày đăng: 23 Tháng 9 2015
- Tác giả TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Khoa LLCT, Trường Đại học Hà Tĩnh
- Lượt xem: 3691
Kể từ khi bắt đầu có hiệu lực thi hành vào năm 2000 đến nay, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần rất quan trọng trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân.Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước chúng ta đang có những thay đổi to lớn, toàn diện và căn bản về mọi mặt thì BLHS đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu quản lý xã hội của Nhà nước. Chính vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện BLHS hiện hành là hết sức cần thiết nhằm tạo ra một công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng, nổi bật nhất của Dự thảo BLHS 2015 đó chính là việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Trong một thời gian dài trước đây, quan điểm về việc quy định TNHS đối với pháp nhân ở nước ta chịu ảnh hưởng nhiều bởi quan điểm lập pháp của các nước xã hội chủ nghĩa và các nước ở khu vực Châu Âu -đây là những nước ghi nhận nguyên tắc lỗi và nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, đồng thời trong quá khứ, các nước này cũng không ghi nhận nguyên tắc TNHS của pháp nhân. Chính vì thế, thời gian qua, vấn đề về nghiên cứu thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân ở nước ta chưa được quan tâm một cách xác đáng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật của các pháp nhân ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt, trong một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng về quy mô, mức độ nguy hiểm như: các tội xâm phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý kinh tế, thị trường tài chính... Trong khi đó, việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự đối với các hành vi trái pháp luật của pháp nhân cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, không đủ sức răn đe, chế tài áp dụng chưa thực sự tương xứng với mức độ vi phạm. Có thể kể đến hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng do pháp nhân gây ra như vụ việc Công ty sửa chữa tàu biển Huyndai-Vinashin xả chất thải rắn (hạt nix) độc hại không qua xử lý ra môi trường (Khánh Hòa), Nhà máy Miwon (Việt Trì - Phú Thọ) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hồng, Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái (tỉnh Thanh Hóa) chôn thuốc trừ sâu quá hạn, hóa chất ngay tại khuôn viên nhà máy... gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, tàn phá hệ sinh thái. Mặc dù gây ra những hậu quả hết sức nguy hiểm cho xã hội nhưng những vi phạm này của pháp nhân chỉ bị xử lý hình sự mà không bị truy cứu TNHS, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân đang ngày càng gia tăng. Bởi, thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm trên cho thấy, các chế tài về hành chính hay dân sự không thực sự đem lại hiệu quả cao, chưa đảm bảo được tính răn đe phòng ngừa của pháp luật. Mặc dù chúng ta đã xây dựng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính và có những quy định trong các ngành luật dân sự hay kinh tế để người dân, cơ quan, tổ chức kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân có hành vi vi phạm, nhưng trên thực tế, các quy định này vẫn còn bất cập, kém hiệu quả và chưa thực sự tạo được cơ chế hữu hiệu để người dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình trước hành vi xâm phạm của các pháp nhân. Do đó, việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khi Việt Nam đang ngày càng tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống tội phạm có tính chất xuyên quốc gia như tội phạm rửa tiền, tội phạm buôn lậu, tội phạm môi trường, và các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác thì việc bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế là nhu cầu khách quan và tất yếu. Do đó, những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, trong đó có quy định về TNHS của pháp nhân cũng cần phải được bổ sung theo hướng tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm, thành quả của pháp luật nước ngoài. Các nước theo truyền thống pháp luật Anh - Mỹ (như Anh, Mỹ, Cannda, Australia…) hoặc theo truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ…), hay như đất nước thuộc hệ thống pháp luật XHCN như Trung Quốc đều quy định TNHS đối với pháp nhân. Nhiều Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc phê chuẩn ( như Công ước của Liên Hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng) đều có khuyến nghị các quốc gia thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân.
Như vậy, có thể thấy, đối với pháp luật quốc tế, việc áp dụng TNHS đối với pháp nhân không phải là vấn đề mới mẻ nhưng đối với Việt Nam chúng ta, đây lại là vấn đề tương đối phức tạp, còn nhiều ý kiến trái chiều trong nhân dân cũng như các nhà khoa học pháp lý. Tuy nhiên, để pháp luật Việt Nam thực sự là công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý xã hội, đảm bảo xử lý công bằng đối với mọi chủ thể vi phạm pháp luật, đáp ứng được những đòi hỏi của công cuộc hội nhập quốc tế thì việc nghiên cứu bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS là rất cần thiết.
Tuy vậy, chế định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong dự thảo BLHS sửa đổi vẫn còn một số vấn đề cần phải được quan tâm:
- Dự thảo BLHS chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân kinh tế mà không phải đối với mọi loại pháp nhân, điều này tạo ra sự bất bình đẳng.
- Các quy định về truy cứu TNHS đối với pháp nhân còn sơ sài, chồng chéo, trùng lắp. Cụ thể là các quy định tại các Điều 46, 47, 48, 82.
- Dự thảo chưa xác định nguyên tắc áp dụng TNHS đối với pháp nhân: Để hoạt
động áp dụng TNHS đối với pháp nhân được thực hiện một cách công bằng, nghiêm minh, pháp luật hình sự phải xây dựng những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng, định hướng cho quá trình áp dụng pháp luật hình sự đối với chủ thể này. Cụ thể, Dự thảo BLHS 2015 phải xác định rõ điều kiện mà pháp nhân phải chịu TNHS bao gồm:
+ Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân;
+ Hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân;
+ Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.
- Dự thảo cần xác định chủ thể của tội phạm là các tổ chức có tư cách pháp nhân, đồng thời liệt kê loại pháp nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ không loại trừ trách nhiệm của người đại diện cho pháp nhân. Tuy nhiên, cần xây dựng các QPPL để phân định tính độc lập tương đối cho hai loại trách nhiệm này. Theo đó, đối với người đại diện của pháp nhân, họ chỉ phải chịu TNHS đối với hành vi họ đã thực hiện trong phạm vi đại diện mà không cần chịu trách nhiệm cho những vi phạm khác của pháp nhân không phải do mình gây ra. Đồng thời, pháp nhân cũng không có nghĩa vụ phải gánh chịu TNHS do những vi phạm mà người đại diện gây ra nếu hành vi phạm tội của người này nằm ngoài sự ủy quyền của pháp nhân.
- Cần liệt kê cụ thể loại tội phạm mà pháp nhân phải gánh chịu TNHS.
Về vấn đề này, các nước trên thế giới hiện đang có những quy định khác nhau. Tại một số quốc gia chịu ảnh hưởng của dòng họ pháp luật Common law như Mĩ, Canada, hay Hà Lan...TNHS được áp dụng cho mọi loại tội phạm, còn tại một số quốc gia chịu ảnh hưởng của dòng họ Civil law như Pháp hay Trung Quốc thì ngược lại, TNHS chỉ được đặt ra đối với một số loại vi phạm pháp luật cụ thể. Hệ thống pháp luật Việt Nam được cho là chịu ảnh hưởng tương đối sâu sắc từ dòng họ Civil law, vì vậy, để đảm bảo tính tương thích với toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung, chúng ta nên định hướng xây dựng những quy định về vấn đề này theo kinh nghiệm của dòng họ Civil law. Theo đó, chúng ta chỉ nên quy định TNHS của pháp nhân đối với một số tội phạm cụ thể như các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, môi trường... bởi trên thực tế không phải loại tội phạm nào pháp nhân cũng có thể thực hiện được như thể nhân.
- Cần xác định hệ thống hình phạt được áp dụng đối với pháp nhân.
Đây là vấn đề cần được quan tâm một cách đúng mức bởi điều này có tính chất quyết định đến hiệu quả của việc áp dụng TNHS của pháp nhân trên thực tế. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng những biện pháp, chế tài hành chính, dân sự để xử phạt vi phạm của pháp nhân như phạt tiền, tịch thu giấy phép kinh doanh hay kiện đòi bồi thường, tuy nhiên, đã phân tích ở trên đây, những chế tài này chưa thực sự mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý các vi phạm của pháp nhân. Do đó, cần phải xây dựng một hệ thống các chế tài hình sự hợp lý để đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Về vấn đề này, chúng ta nên học tập kinh nghiệm của các nước thuộc dòng họ pháp luật Civil law. Hình phạt đối với pháp nhân theo quy định của các nước này tương đối đa dạng và tổng quát, vừa tác động vào uy tín, danh dự, vừa tác động vào lợi ích về mặt tài sản của pháp nhân. Những hình phạt này bao gồm: phạt tiền, cấm tiến hành một số hoặc toàn bộ những hoạt động liên quan đến nghề nghiệp, cấm huy động vốn, tịch thu tài sản đã sử dụng để phạm tội hoặc có được do phạm tội, niêm yết quyết định đã được Tòa án tuyên hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, giải thể bắt buộc, tịch thu giấy phép kinh doanh...v.v
Trên cơ sở nghiên cứu những quy định của các nước trên thế giới có điểm tương đồng về lịch sử cũng như quan điểm lập pháp với Việt Nam, Dự thảo BLHS 2015 cần xây dựng hệ thống chế tài phù hợp với tình hình và yêu cầu của thực tiễn hiện nay. Đặc biệt, đối với hình phạt tiền, cần lựa chọn mức hình phạt cao hơn và cụ thể đối với từng loại tội phạm để khắc phục những hạn chế mà hiện nay, hình phạt tiền với tư cách là biện pháp xử lý vi phạm hành chính chưa đáp ứng được. Bên cạnh hình phạt tiền, có thể bổ sung các hình phạt như thu hồi giấy phép sản xuất kinh doanh, đình chỉ hoạt động của pháp nhân (có thời hạn hoặc vĩnh viễn), cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực hoặc cấm huy động vốn...
Đồng thời với việc quy định hình phạt dành cho pháp nhân, các nhà làm luật không thể bỏ qua những quy định cụ thể nhằm giải quyết các quan hệ pháp lý giữa pháp nhân vi phạm pháp luật và các chủ thể liên quan. Ví dụ như trong trường hợp pháp nhân bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì quyền lợi của người lao động, của chủ nợ, các đối tác kinh doanh của pháp nhân này sẽ được giải quyết như thế nào? Nếu không xây dựng các quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này, thực tế áp dụng pháp luật rất có thể sẽ tạo ra những bất cập đe dọa gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội.
Như vậy, có thể khẳng định, việc quy định TNHS đối với pháp nhân là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Việc quy định trách nhiệm hình sự cho pháp nhân sẽ góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo tính công bằng của pháp luật, đưa pháp luật hình sự Việt Nam ngày càng hòa nhập với những quy định của pháp luật quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.google.com/search?q=Lu%E1%BA%ADt+h%C3%ACnh+s%E1%BB%B1+1999&q=
- http://luatduonggia.vn/bo-luat-hinh-su-nam-1999-sua-doi-bo-sung-nam-2009
- http://nld.com.vn/du-thao-bo-luat-hinh-su.html
Tin mới
- Sinh viên Trường Đại Học Hà Tĩnh vinh dự nhận học bổng HESSEN - 28/09/2015 03:19
- Lễ bảo vệ luận văn thạc sỹ chuyên nghành Kỹ thuật xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp (Chương trình liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Hà Tĩnh và Trường Đại học Xây dựng) - 28/09/2015 03:10
- Giới thiệu sách Tháng 9 - 2015 - 23/09/2015 10:13
- Chiếc bánh yêu thương - 23/09/2015 09:55
- Vài suy nghĩ về dạy học cao đẳng và đại học - 23/09/2015 09:43
Các tin khác
- Đồng chí Doãn Hồng Hà – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam thăm và làm việc với Hội Sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh - 16/09/2015 00:24
- Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Hà Tĩnh và Chi nhánh Viettel tại Hà Tĩnh - 14/09/2015 01:17
- GS.VS Nguyễn Văn Hiệu thăm và làm việc với Trường Đại học Hà Tĩnh - 14/09/2015 01:06
- Vị bánh trung thu năm nào - 14/09/2015 01:01
- Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại Học Hà Tĩnh với Viễn thông Hà Tĩnh - 10/09/2015 00:22
- 10 sinh viên của Trường Đại Học Hà Tĩnh vinh dự nhận học bỗng VALLET lần thứ XV - 31/08/2015 00:45
- Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi giữa nhiệm kỳ 2012 - 2017 - 27/08/2015 09:23
- Người thầy lừng danh của đất Hồng Lam - 25/08/2015 08:35
- Trường Đại Học Hà Tĩnh chung tay cứu trợ đồng bào lũ lụt ở Quảng Ninh - 21/08/2015 09:58
- Trường Đại học Hà Tĩnh: Tiến hành đại hội đại biểu đảng bộ nhiệm kỳ 2015 -2020 - 18/08/2015 13:37
- Phỏng vấn tuyển dụng sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh - 14/08/2015 03:55
- Lễ trao bằng Thạc sĩ chuyên ngành Chính trị học - 10/08/2015 03:50
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng và truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam cho sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh - 10/08/2015 01:26
- Đoàn công tác Trường Đại học Hà Tĩnh kết thúc tốt đẹp chuyến công tác giao lưu, học tập kinh nghiệm - 07/08/2015 07:28
- Trường Đại học Hà Tĩnh: 30 sinh viên Thái Lan được cấp Chứng chỉ hoàn thành khóa học Tiếng Việt - 03/08/2015 07:47