Trường Đại học Hà Tĩnh - HaTinh University

“Chị em tôi toả nắng vàng lịch sử”

 Thật khó có thể đánh giá được vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội và gia đình. M. Gorki nhà văn Nga với tác phẩm nổi tiếng “Người mẹ” đã dựng thành phim, đánh giá cao về vai trò người mẹ, người người phụ nữ: “Đời vắng mẹ hiền không phụ nữ / Anh hùng, thi sỹ hỏi còn đâu?”. Chị em lại càng lung linh toả sáng trong những câu thơ hay nhất của Huy Cận: “Chị em tôi toả nắng vàng lịch sử/ Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ”.    

chiem                 

Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang    

Trước hết, với thiên chức bẩm sinh của mình (mang thai, sinh nở, chăm sóc và phục vụ chồng con), người mẹ thường là người gánh vác việc nội trợ gia đình, quán xuyến mọi công việc của gia đình, quản lý về kinh tế, “tay hòm chìa khóa”; chu toàn với các quan hệ mở rộng: bên nội, bên ngoại, láng giềng, bạn bè của chồng, “giàu vì bạn, sang vì vợ”. Một khảo sát của Phòng Xã hội học dân số và gia đình Việt Nam năm 1993 cho thấy, vai trò người vợ - người nội trợ thể hiện trong việc phụ nữ vẫn là người quyết định chủ yếu chi tiêu ăn uống hằng ngày, 79,0% nữ so với 4,6%  nam giới còn trong việc chi tiêu chữa bệnh và học hành cho con cái, mặc dù người chồng có sự chia sẻ trách nhiệm phụ nữ vẫn là người quyết định  (Vũ Tuấn Huy, 1993). Tuy nhiên, nền sản xuất xã hội ở quy mô công nghiệp hóa cao kéo dần người phụ nữ ra khỏi công việc nội trợ để tham gia vào lực lượng xã hội vì nhu cầu của nền sản xuất, nhu cầu tiêu dùng của gia đình tăng lên, vì quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực.

Vốn gần gũi con cái, người mẹ thường nhạy cảm với những thay đổi về tính tình, cảm xúc, tình cảm, hành vi của con cái, nên là người biết cách quan tâm, chia sẻ những thành công, thất bại, niềm vui, nỗi buồn của con cái trong học tập, sự nghiệp; trong quan hệ với bạn bè; sức khỏe, giới tính… Đối với chồng, vợ là người biết chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, chia sẻ tâm tư, tình cảm, thành công, thất bại trong công việc; tình duyên trở thành bệ phóng cho sự thăng hoa trong sự nghiệp như Tề Bạch Thạch (Trung Quốc), nguồn động viên, động lực chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, trận mạc... “Đằng sau sự thành đạt của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của người đàn bà”.

 Có một chàng trai hỏi một nhà hiền triết: Thưa thầy, tại sao phụ nữ lại khóc? Nhà hiền triết trả lời: “Thượng đế tạo ra người phụ nữ rất đặc sắc. Người làm cho đôi vai họ cứng cáp để che chở cho thế giới, đôi tay họ mát lành để che chở sự yêu thương; Người cho họ một sức mạnh tiềm ẩn để mang nặng đẻ đau, sự dũng cảm để nuôi dưỡng và chăm sóc cả gia đình, người thân, bạn bè; Người cho họ tình cảm để họ yêu thương con cái trong một hoàn cảnh trên đời, ngay cả những lúc con cái họ gây cho họ đau khổ; Người cho họ sức mạnh để chăm sóc người chồng của họ; Người cho họ sự khôn ngoan để cho biết rằng người chồng tốt sẽ không bao giờ làm tổn thương vợ mình và cô ta luôn thấp thoáng sau mỗi thành công của người chồng. Và cuối cùng, nhà hiền triết cho biết để làm được điều đó thì họ cũng cho họ giọt nước mắt phải rơi để sử dụng bất cứ lúc nào, và đó cũng là điểm yếu nhất của họ”.    

         Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, kính chúc các mẹ, các chị, những người vợ sức khoẻ, hạnh phúc, luôn lung linh, toả sáng!

                                     TÀI LIỆU THAM KHẢO

Phụ nữ và phát triển, số 07/2012 (Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ Hà Tĩnh                                      

Các tin khác