Thư Sài Gòn
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin tức - Sự kiện
- Ngày đăng: 01 Tháng 6 2016
- Tác giả Lê Thị Thái, cựu sinh viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Hà Tĩnh.
- Lượt xem: 1918
Hướng tới kỷ niệm 10 năm ngày thành lập trường Đại học Hà Tĩnh, Khoa Lý luận chính trị nhận được bức thư của bạn Lê Thị Thái, sinh viên K2 Giáo dục chính trị. Hiện bạn Thái làm việc cho công ty Avery Dennision Việt Nam.
Sài Gòn, chiều thứ 7!
Nhận được cuộc gọi từ thầy giáo cũ Nguyễn Hoài Sanh lòng vui mừng khôn xiết. Thật cảm mến thầy khi bản thân chỉ là một cô học trò cũ, ra trường đã ba năm rồi mà thầy vẫn còn nhớ tới. Tự trách mình ngần ấy thời gian sao không chủ động gọi hỏi thăm thầy lấy đôi ba lần. Cuộc sống mưu sinh quá bận rộn hay vì sau khi ra trường bản thân chưa thật sự công thành danh toại nên ngại ngần liên lạc với thầy. Thầy bảo Trường chuẩn bị kỉ niệm mười năm thành lập em có cảm nghĩ gì muốn được chia sẻ không? Thưa thầy! Em có. Rất nhiều cảm xúc về thầy cũ, trường xưa, những đồng môn thân thiết ngày còn trên giảng đường và cả những trải nghiệm, nụ cười, mồ hôi và những giọt nước mắt của những tháng ngày bước ra khỏi cổng trường để lăn lộn tìm kiếm cho mình một công việc, để không phải mang danh là một cử nhân thất nghiệp. Ba năm không phải là thời gian quá dài để em nhìn nhận cuộc đời này tròn vành, bao quát song phần nào đó em nghĩ mình cần và nên chia sẻ để những gì em đã thưởng, đã trải, đã nếm để cho các bạn, các em sinh viên bổ sung thêm vào hành trang tiến bước vào đời!
Lê Thị Thái trong Lễ tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Hà Tĩnh.
Đặc ân của thanh xuân là tuổi trẻ, là nhựa sống tràn trề. Vì lẽ đó cho nên ai ai trong chúng ta cũng sống một thời tuổi trẻ đầy hào sảng, phóng khoáng cho đi mà không đòi hỏi được nhận lại: Tình yêu, nụ cười và niềm vui. Vậy nhưng đôi khi chúng ta lại quá ki bo và keo kiệt gửi đi những lời cảm ơn, tri ân mặc dù trong lòng hết sức biết ơn và cảm tạ. Nhất là đối với đấng sinh thành và thầy cô của mình. Em và nhiều bạn đã mắc cái lỗi như thế đó. Năng động nhưng thiếu sâu sắc! Cho đến một giai đoạn nào đó khi nhận thức đã bắt đầu chín mới thảng thốt: Bản thân ta đã thiếu sót quá nhiều!
Lê Thị Thái tại Hội thi Tuổi trẻ khám phá do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức.
Thưa thầy! Những năm tháng được học tập và rèn luyện dưới mái trường của Đại học Hà Tĩnh là những năm tháng với em tràn đầy ý nghĩa và lí thú. Em chưa thấy sinh viên của bất cứ trường Đại học nào như sinh viên trường mình - háo hức, mong chờ tới đợt sinh hoạt công dân đầu năm (là nỗi ám ảnh của sinh viên trường khác) chỉ để được gặp và nghe thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đính cầm míc chia sẻ về mọi điều của đời sống sinh viên. Không dừng lại ở việc học tập mà còn là những vấn đề nhạy cảm của cuộc sống như tình bạn, tình yêu, hiện tượng sống thử… Thầy không đứng trên bục cao, không cầm xấp tài kiệu đã được biên soạn sẵn. Thầy bước xuống hội trường, đứng giữa sinh viên, cầm míc và chia sẻ. Khoảnh khắc ấy em tin không chỉ em mà nhiều bạn sinh viên cảm thấy ấm áp vô cùng. Thầy cứ tựa như người Cha vậy. Gần gũi, chân tình. Dưới mái trường này em đã được dạy cách trở thành một nhà giáo có chuyên môn và trên hết em được dạy cách để trở thành một nhà giáo có tâm và có đức với nghề, với học sinh. Kiến thức chuyên môn là cái em thu được từ việc nghiên cứu các giáo trình và thụ hưởng kinh nghiệm do thầy cô truyền đạt. Còn tâm và đức với nghề là do chính em chứng kiến mà góp nên. Thầy cô không dạy em rằng có tâm có đức là phải làm như thế này, là phải làm như thế kia. Mà tâm đức và tâm huyết với nghề khắc họa rõ nét ở chỗ: Có một trưởng khoa Lí luận Chính trị như cô Kim Hiền chạy đôn chạy đáo tới các phòng ban để thương lượng, trao đổi, nhờ giúp đỡ để sinh viên đạt nguyện vọng được về thực tập sư phạm gần nhà giúp sinh viên tiết kiệm chi phí ăn ở, đi lại vì sinh viên bọn em đa phần là con em nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Có một trưởng khoa không bao giờ vắng mặt trong tất cả các chương trình, sự kiện mà các lớp, cả khoa tổ chức để động viên và góp ý kịp thời cho các em. Những việc đó nếu không có tâm của một người cô, người mẹ thì chắc cô sẽ không thực hiện bởi số lượng công việc của một trưởng khoa không phải là ít. Có những tiết học triết học, đạo đức học, mĩ học… của thầy Nguyễn Hoài Sanh cả lớp thấp thỏm nỗi lo có tên: Hết giờ! Cao điểm nhất một ngày học ba tiết của thầy và cả tuần ngày nào cũng cũng học mà lớp còn cảm thấy quá ít ỏi. Bởi cái phương pháp truyền giảng của thầy không nhàm chán, khơi được lòng say mê cho sinh viên. Có cô Nhàn, cô Hồng, cô Hằng, cô Ninh, cô Ái Đức... luôn sẵn sàng giúp đỡ sinh viên khi trên lớp cả ngoài giờ. Chỉ cần sinh viên cần là các cô luôn sẵn sàng. Môi trường góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách cá nhân. Cảm ơn quý thầy cô đã nuôi dưỡng chúng em trong một môi trường trong lành và đầy tình yêu thương, đùm bọc như thế.
Thưa thầy! Những ngày đầu rời khỏi cánh cổng nhà trường đã có lúc em bật khóc. Cứ ngỡ cầm được tấm bằng ưu ra trường sẽ dễ dàng tìm kiếm được việc làm như mình mong muốn. Nhưng không phải! hiện thực cuộc sống khắc nghiệt hơn những gì em biết. Cơ hội việc làm quá khó khăn. Sự mâu thuẫn giữa khát khao được đi làm được cống hiến và một bên là cơ hội để thực hiện điều đó hầu như không có khiến em bi quan đến tột đỉnh. Em tự trách mình sao ngày xưa không chọn trường nào có bề dày lịch sử và ngành nào dễ dàng xin việc hơn để theo học. Em truy cập tất cả các trang tuyển dụng công chức, tuyển dụng việc làm khắp cả nước để nộp hồ sơ và tham gia thi tuyển. Trải qua nhiều lần thi tuyển em ngộ ra rằng: Đừng than trách vì không phải sinh viên trường mình, ngành mình mà có quá nhiều cử nhân thậm chí thạc sĩ của các trường Đại học lớn, ngành hot thất nghiệp. Trầy trật và tranh đấu mãi cuối cùng em cũng xin được vào làm nhân viên văn phòng tại một công ty Mỹ có tiếng ở Việt Nam. Sự cọ xát thực tế giúp em nhận ra rằng thì ra khi đi làm nhất là đầu quân cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cái quan trọng không phải là bạn học trường nào và ngành gì mà bạn làm được việc gì và hiệu quả công việc của bạn ra sao? Em nhận ra cái hạn chế nhất của em ngày xưa và của sinh viên là quá chú tâm rèn luyện lí thuyết mà xem nhẹ thực hành, thiếu kĩ năng nhất là kĩ năng sử dụng các phần mềm máy tính, tiếng Anh và kĩ năng team work (làm việc nhóm) trong khi đây lại là những kĩ năng quan trọng trong công việc, trở thành một hạng mục đánh giá chất lượng công việc của người làm. Còn có một thực tế đáng buốn là có quá nhiều bạn sinh viên ra trường thụ động trong việc tìm kiếm việc làm, các bạn cứ đợi chờ năm này qua năm khác để có được công việc đúng chuyên môn và sở thích, ngại thay đổi, ngại thử thách. Ba năm đi làm em hiểu ra rằng: Cái cốt lõi nhất của bốn năm đại học mà mình học được đó là học cách hình thành và xây dựng một thế giới quan đúng đắn, tiến bộ, và học hệ thống phương pháp luận tư duy khoa học. Thực tế là nếu bạn có niềm tin, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với chông gai thì cơ hội công việc luôn mở rộng vòng tay chào đón bạn. Và rằng nếu bạn tích lũy về lượng bằng cách học thêm các kĩ năng quan trọng, cần thiết, cái mà thị trường việc làm cần và thiếu để tạo nên sự biến đổi về chất cho bản thân mình thì khả năng có một công việc tốt là một điều không quá khó khăn. Kinh nghiệm là vốn quý. Nhà tuyển dụng sẵn sàng đánh trượt một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc để lấy một người chỉ học cao đẳng, trung cấp nhưng có kinh nghiệm làm việc lâu năm. Vậy nên thay vì thụ động ngồi một chỗ để chờ việc tìm đến với mình thì bản thân hãy cứ tự tin bước ra cuộc sống làm và trải nghiệm bởi "Đi một ngày đàng học một tràng khôn”.
Lê Thị Thái tại Văn phòng công ty Avery Dennision Việt Nam.
Mới đó mà trường đã thành lập được mười năm. Em thật lấy làm tự hào khi các anh chị, bạn cựu sinh viên trường mình tự tin, vững vàng không kém cạnh gì các sinh viên trường khác trong công việc chuyên môn. Khóa 2009-2013 tự hào có bạn Phan Thị Cát Tường (K2 Sư phạm Ngoại Ngữ) và bạn Nguyễn Đình Nam(K2- Sư phạm Toán) có đủ năng lực nên được giữ lại trường làm giảng viên. Sinh viên trường mình hầu như công tác khắp cả nước. Nổi bật như ở Bình Dương hầu như trường THPT, THCS, Tiểu học nào cũng có cựu sinh viên trường mình. Các anh các chị, các bạn có đủ năng lực và tâm huyết để giảng dạy không kém cạnh cựu sinh viên của các trường lớn, có bề dày lịch sử như Trường Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh, Sư Phạm Huế, Sư Phạm Đà Nẵng. Điển hình như bạn Nguyễn Thị Thúy (K2- Sư phạm Vật lí) kết thúc một năm tập sự là được cất nhắc lên làm tổ phó chuyên môn. Những tấm gương tiêu biểu đó đã minh chứng rõ nét cho chất lượng đào tạo của trường. Sự dày công vun đắp, chăm chút của thầy cô đã cho ra những quả ngọt. Hơn lúc nào hết em thấm thía câu thầy từng nói: Người giỏi không bao giờ dư thừa. Nhân kỉ niệm mười năm thành lập trường thay mặt cho cựu sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh kính chúc quý thầy cô sức khỏe, thành công, tiếp tục ươm mầm xanh để kết tinh thành những quả ngọt cho đất nước. Kính chúc trường ngày một phát triển đi lên xứng đáng là trường Đại học tiêu biểu của tỉnh nhà, là nơi tin cậy để các bạn sỉ tử lựa chọn theo học. Chúc cho vị thế của trường ngày càng nâng cao, sánh vai với các trường Đại học trên toàn quốc!
Sài Gòn chiều 28 tháng năm! Trường cũ thầy xưa rưng rức trong tim!
Lê Thị Thái, cựu sinh viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Hà Tĩnh.
Tin mới
- GS.TS Marcus D. Ingle thăm và làm việc với Trường Đại học Hà Tĩnh - 16/06/2016 08:52
- Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Ắttapư thăm và làm việc với Trường Đại học Hà Tĩnh - 09/06/2016 08:31
- Đoàn cán bộ thủ đô Viêng Chăn thăm và làm việc với Trường Đại học Hà Tĩnh - 07/06/2016 10:23
- Khoa Sư phạm Tự nhiên, Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức tổng kết khóa học 2012 - 2016 - 06/06/2016 00:53
- Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Salavan thăm và làm việc với Trường Đại học Hà Tĩnh - 03/06/2016 03:43
Các tin khác
- Nơi kết nối những yêu thương! - 30/05/2016 04:08
- Hội nghị tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm năm 2016 - 29/05/2016 02:37
- Tập huấn lần thứ 2 cuộc thi “Trường tôi là Nhất” - 28/05/2016 03:40
- Trường Đại học Savannakhet thăm và làm việc với Trường Đại học Hà Tĩnh - 27/05/2016 03:46
- Chương trình “Thực học, thực làm” cho sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh - 27/05/2016 01:31
- Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Xiêng Khoảng thăm và làm việc với Trường Đại học Hà Tĩnh - 26/05/2016 01:39
- Trường Đại học Hà Tĩnh trao tặng 10 triệu đồng cho lớp học tình thương của Giáo xứ An Nhiên - 24/05/2016 07:54
- CBGV và HSSV Trường Đại học Hà Tĩnh nô nức đi bầu cử - 22/05/2016 04:13
- Các yêu cầu đối với kiến thức thông tin của sinh viên hiện nay - 20/05/2016 09:00
- Tổ chức phát động cuộc thi “Trường tôi là Nhất” - 20/05/2016 01:07
- Trường Đại học Hà Tĩnh Làm việc với Sở Giáo dục và Thể thao Viêng Chăn, Lào - 19/05/2016 09:25
- Trường Đại học Hà Tĩnh thăm và làm việc với Đại học Quốc gia Lào - 18/05/2016 14:47
- 'Thầy Huệ' - người truyền lửa cho sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh - 17/05/2016 03:19
- “Mỗi giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại” - 14/05/2016 08:44
- Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Viêng Chăn làm việc với Trường Đại học Hà Tĩnh - 14/05/2016 00:35